Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Bảo hộ tên doanh nghiệp ảnh hưởng bảo hộ tên thương mại?



Từ lâu tình trạng doanh nghiệp trùng tên đã là vấn đề hóc búa cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp, và cho cả các doanh nghiệp bị trùng tên. Nguyên nhân của việc trùng tên doanh nghiệp đáng tiếc lại có từ quy định của pháp luật doanh nghiệp. VietNamNet xin giới thiệu bài viết quan trọng của một luật sư về vấn đề đang gây nhiều rắc rối này.
Luật không rõ
Theo Luật Sở hữu Trí tuệ 2005, Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành (gọi chung là “Luật SHTT”), tên thương mại là “tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”.[1] Một tên sẽ được bảo hộ như tên thương mại nếu tên này “không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”.[2] Mặc dù Luật SHTT đã đưa ra một loạt các tiêu chí để xác định yếu tố “trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn” của một dấu hiệu,[3] Luật SHTT đã không xác định được “khu vực kinh doanh” là gì. Trong Luật SHTT, “khu vực kinh doanh” được định nghĩa là “khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng”,[4] nhưng định nghĩa này là không rõ ràng. Liệu theo định nghĩa này thì “khu vực kinh doanh” có thể được hiểu là bất kỳ khu vực địa lý nào mà doanh nghiệp phân phối sản phẩm đến? Hay “khu vực kinh doanh” là nơi doanh nghiệp đó đặt trụ sở chính, chi nhánh hay thậm chí chỉ là nơi doanh nghiệp đặt văn phòng giao dịch? Ví dụ, liệu một doanh nghiệp sản xuất nước mắm có được bảo hộ tên doanh nghiệp của mình như tên thương mại tại tỉnh Y trong lúc một doanh nghiệp khác cùng ngành đang sử dụng cùng tên đó cho sản phẩm của mình tại tỉnh Z?[5]
Quyền đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó trong hoạt động kinh doanh và trên cơ sở sử dụng trước.[6] Luật không yêu cầu phải đăng ký bảo hộ tên thương mại. Chủ sở hữu tên thương mại được quyền sử dụng tên thương mại trong các hoạt động kinh doanh của mình, như thể hiện tên thương mại đó trên các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, bao bì, v.v…[7] Vì thế, nếu “X” được sử dụng trên các bao bì sản phẩm, hàng hoá, quảng cáo của một doanh nghiệp, về nguyên tắc “X” sẽ được xem là tên thương mại (nếu tên này thoả mãn các điều khác của Luật SHTT như đã nói) và doanh nghiệp này sẽ được coi là chủ sở hữu của tên thương mại “X”.

Tên Doanh Nghiệp là Tên Thương Mại?
Nhiều người cho rằng tên của doanh nghiệp là, hoặc ít ra được xem là, tên thương mại.[8] Tuy nhiên, không có bất kỳ văn bản luật nào xác nhận điều này.[9] Theo Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành (gọi chung là “Luật DN”), tên của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố: (1) loại hình doanh nghiệp, như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, v.v…, và (2) tên riêng của doanh nghiệp.[10] Nghĩa là, ví dụ như, nếu X là tên riêng của doanh nghiệp, tên của doanh nghiệp sẽ là “Công ty TNHH X”. Ngoài ra, “doanh nghiệp có thể sử dụng ngành, nghề kinh doanh, hình thức đầu tư hay yếu tố phụ trợ khác để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp […]”.[11] Ví dụ, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể chấp nhận tên “Công ty TNHH Nước mắm X” là tên doanh nghiệp.
Quyền đối với tên doanh nghiệp được xác lập khi doanh nghiệp đăng ký tên này [12] trong quá trình đăng ký kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh tại tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính.[13] Doanh nghiệp, sau đó, phải (và có quyền) viết hoặc gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp và in hoặc viết tên doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.[14] Do đó, nếu căn cứ theo định nghĩa về tên thương mại (là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và “khu vực kinh doanh”), việc sử dụng tên doanh nghiệp theo những cách này có thể khiến tên doanh nghiệp trở thành tên thương mại. Tuy nhiên, tên doanh nghiệp không nhất thiết luôn luôn là tên thương mại. Vì hai lý do sau. Thứ nhất, như đã nói ở phần trên của bài viết, khái niệm “khu vực kinh doanh” trong định nghĩa tên thương mại là không rõ ràng và gần như không giúp xác định được “khu vực kinh doanh” là gì. Thứ hai, phạm vi bảo hộ của tên thương mại khác phạm vi bảo hộ của tên doanh nghiệp. Điểm này sẽ được nói rõ ở phần kế tiếp của bài viết.

Bảo Hộ Tên Thương Mại và Bảo hộ Tên Doanh Nghiệp
Theo Luật DN, tên của một doanh nghiệp có thành phần tên riêng trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký sẽ không được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp nhận. [15] Nghĩa là, về mặt nguyên tắc, nếu tên “Công ty TNHH X” đã được đăng ký, các doanh nghiệp khác sẽ không thể sử dụng tên có thành phần tên riêng là “X” để tiến hành đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, cơ chế bảo hộ này chỉ giới hạn trong phạm vi tỉnh, thành phố, mà cụ thể là tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp liên quan tiến hành đăng ký kinh doanh. Do đó, nếu “Công ty TNHH X” được đăng ký tại tỉnh Y, Luật DN không cấm doanh nghiệp khác đăng ký tên “Công ty TNHH X” tại tỉnh Z. [16] Quy định như vậy, Luật DN rõ ràng đã tạo ra nhiều khó khăn, phức tạp khi áp dụng Luật trong thực tế. Không những làm xuất hiện một số lượng lớn các doanh nghiệp trùng tên trên toàn quốc, [17] quy định này còn gây khó khăn cho chế định bảo hộ tên thương mại theo Luật SHTT (sẽ được nói rõ ở dưới đây).
 
Rõ ràng rằng doanh nghiệp sẽ sử dụng tên doanh nghiệp trên bao bì hàng hoá, sản phẩm của mình, ví dụ như bao bì sản phẩm sẽ ghi “sản phẩm của Công ty TNHH X”. Bằng cách này, tên doanh nghiệp có thể được xem là tên thương mại theo Luật SHTT. Tuy nhiên, theo Luật DN, một doanh nghiệp khác (“doanh nghiệp thứ hai”) lại hoàn toàn có quyền đóng gói sản phẩm của mình với cùng một cách tương tự như doanh nghiệp kia (“doanh nghiệp thứ nhất”), do doanh nghiệp thứ hai này đã đăng ký kinh doanh với cùng tên doanh nghiệp tại một tỉnh, thành phố khác. Do đó, tên của doanh nghiệp thứ hai cũng có thể được xem là tên thương mại. Câu hỏi đặt ra ở đây sẽ là, (1) doanh nghiệp nào sẽ được bảo hộ theo Luật SHTT, và (2) cơ chế bảo hộ sẽ như thế nào?
1.  Như đã nói ở phần đầu của bài viết, tên thương mại được bảo hộ trên cơ sở sử dụng trước. Do đó, về mặt nguyên tắc, trong trường hợp nêu ở trên về hai doanh nghiệp trùng tên, sử dụng tên doanh nghiệp của mình trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp nào sử dụng tên đó trước sẽ được công nhận là chủ sở hữu hợp pháp của tên thương mại đó.  
Tuy nhiên, vấn đề thực tế không đơn giản chút nào. Như đã nói, thành tố để xác định một tên thương mại bao gồm “lĩnh vực kinh doanh” và “khu vực kinh doanh”. Trong khi “lĩnh vực kinh doanh” thì quá rõ ràng, “khu vực kinh doanh” gần như không thể xác định được.
Lấy lại ví dụ vừa rồi về hai doanh nghiệp trùng tên – doanh nghiệp thứ nhất và doanh nghiệp thứ hai. Nếu doanh nghiệp thứ nhất đóng gói bao bì sản phẩm với tên của doanh nghiệp và phân phối sản phẩm tại tỉnh Y. Sau đó, doanh nghiệp thứ hai cũng đóng gói sản phẩm của mình với tên doanh nghiệp mình và phân phối sản phẩm tại tỉnh Z. Hai doanh nghiệp này không những trùng tên mà, giả sử, còn hoạt động trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Vậy, liệu hành vi đóng gói sản phẩm dưới tên doanh nghiệp của doanh nghiệp thứ nhất có được xem là “sử dụng trước” hay không? Nếu câu trả lời là “Có”, có nghĩa là “khu vực kinh doanh” trong trường hợp này phải được hiểu là toàn lãnh thổ Việt Nam[18] do doanh nghiệp thứ nhất sử dụng tên doanh nghiệp (như là tên thương mại) trước nhưng lại chỉ trong giới hạn địa lý của tỉnh Y, và doanh nghiệp thứ hai sử dụng tên đó sau nhưng cũng chỉ trong giới hạn của tỉnh Z. Ngược lại nếu câu trả lời là “Không”, có nghĩa là “khu vực kinh doanh” phải được diễn giải riêng lẻ là tỉnh Y và tỉnh Z, tức là khu vực địa lý nơi doanh nghiệp phân phối sản phẩm và do đó “có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng”.[19]
2.   Luật DN quy định “trường hợp tên của doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên”.[20] Nếu áp dụng quy định này vào ví dụ vừa rồi, một trong hai doanh nghiệp, nếu bị cho là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sẽ phải đổi tên doanh nghiệp của mình mặc dù cả hai doanh nghiệp đều đã hoàn toàn tuân thủ quy định của Luật DN trong quá trình các doanh nghiệp này tiến hành đăng ký kinh doanh. 
Ngoài ra, vấn đề đổi tên doanh nghiệp bắt buộc - nói thì dễ như thực tế thực hiện được hay không là một vấn đề khác. Hãy cứ tưởng tượng làm thế nào mà 722 doanh nghiệp trùng tên ở Hà Nội [21] tiến hành đổi tên?

Giải pháp
Giải pháp duy nhất cho tình trạng chồng chéo giữa Luật DN và Luật SH chỉ có thể là: thứ nhất, Luật SHTT phải được sửa đổi để làm rõ khái niệm “khu vực kinh doanh” trong định nghĩa tên thương mại. Hiện tại, thẩm phán, luật sư, v.v… giải thích khái niệm “khu vực kinh doanh” theo kiểu mỗi người một ý. Thứ hai, Luật DN cũng phải được sửa đổi mà cụ thể là phần quy định về tên doanh nghiệp, để các quy định này không gây ra thêm khó khăn, phức tạp khi áp dụng Luật trong thực tế và không gây ảnh hưởng đến các chế định bảo hộ tên thương mại theo Luật SHTT như hiện nay.  

Ths Ls Lê Thu Phương
[1] Điều 4.21, Luật Sở hữu Trí tuệ 2005
[2] Điều 78.2, Luật Sở hữu Trí tuệ 2005
[3] Điều 13, Nghị định 105/2006/NĐ-CP
[4] Điều 4.21, Luật Sở hữu Trí tuệ 2005
[5] Đọc thêm “Hưng Thịnh là của ai”, Tạp chí Hoạt động Khoa học, Số tháng 08/2008, http://www.tchdkh.org.vn/data/tintucvn/200808/13102254/Hung%20Thinh.doc
[6] Điều 1.6, Mục I, Chương I, Thông tư  01/2007/BKHCN
[7] Điều 124.6, Luật Sở hữu Trí tuệ 2005
[8] “Không thể cưỡng chế doanh nghiệp”, Diễn đàn Doanh nghiệp, Số tháng 04/2009, http://dddn.com.vn/20090409104619894cat103/khong-the-cuong-che-dn.htm
[9] Lê Tùng, “Tên thương mại và nhãn hiệu- từ cách định nghĩa đến tình huống pháp lý có thể phát sinh”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, http://www.luatviet.org/Home/nghien-cuu-trao-doi/so-huu-tri-tue/2007/4902/Ten-thuong-mai-va-nhan-hieu-tu-cach-dinh-nghia-den-tinh.aspx
[10] Điều 10.1, Nghị định 88/2006/NĐ-CP
[11] Điều 10.2, Nghị định 88/2006/NĐ-CP
[12] Điều 16.2, Nghị định 103/2006/NĐ-CP
[13] Điều 11.1, Nghị định 88/2006/NĐ-CP
[14] Điều 31.2, Luật Doanh nghiệp 2005
[15] Điều 12.2.h, Nghị định 88/2006/NĐ-CP
[16] Đọc thêm: “Doanh nghiệp trùng tên: Loay hoay gỡ rối”, Diễn đàn Doanh nghiệp, Số tháng 4/2009, http://dddn.com.vn/20090410024453769cat81/doanh-nghiep-trung-ten-loay-hoay-go-roi.htm
[17] Tính đến tháng 8/2009, chỉ riêng trong địa bàn Hà Nội đã có hơn 722 doanh nghiệp trùng tên. Đọc thêm: “Tìm lời giải cho doanh nghiệp trùng tên”, Kinh tế Sài Gòn Online, Số tháng 08/2009, http://www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/phapluat/16095/ 
[18] Đọc thêm “Hưng Thịnh là của ai”, Tạp chí Hoạt động Khoa học, Số tháng 08/2008, http://www.tchdkh.org.vn/data/tintucvn/200808/13102254/Hung%20Thinh.doc
[19] Xem chú thích số 4
[20] Điều 11.4, Nghị định 88/2006/NĐ-CP
[21] Xem chú thích số 17.

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Tìm hiểu về cấu tạo Mã số mã vạch trên bao bì sản phẩm

Để tạo thuận lợi và nâng cao năng suất, hiệu quả trong bán hàng và quản lý kho người ta thường in trên hàng hoá một loại mã hiệu đặc biệt gọi là mã số mã vạch của hàng hoá.
Mã số mã vạch của hàng hoá bao gồm hai phần: mã số của hàng hoá và mã vạc là phần thể hiện mã số bằng vạch để cho máy đọc. Mã số của hàng hoá là một dãy con số dùng để phân định hàng hoá, áp dụng trong quá trình luân chuyển hàng hoá từ người sản xuất, qua bán buôn, lưu kho, phân phối, bán lẻ tới người tiêu dùng. Nếu thẻ căn cước giúp ta phân biệt người này với người khác thì mã số hàng hoá là “thẻ căn cước” của hàng hoá, giúp ta phân biệt được nhanh chóng và chính xác các loại hàng hoá khác nhau.
Mã số của hàng hoá có các tính chất sau:
- Nó là con số duy nhất đặc trưng cho hàng hoá. Mỗi loại hàng hoá được nhận diện bởi một dãy số và mỗi dãy số chỉ tương ứng với một loại hàng hoá.
- Bản thân mã số chỉ là một dãy số đại diện cho hàng hoá, không liên quan đến đặc điểm của hàng hoá. Nó không phải là số phân loại hay chất lượng của hàng hoá, trên mã số cũng không có giá cả của hàng hoá.
Hiện nay, trong thương mại trên toàn thế giới chủ yếu áp dụng hai hệ thống mã số hàng hoá sau:
- Hệ thống UPC (Universal Product Code) là hệ thống thuộc quyền quản lý của Hội đồng mã thống nhất Mỹ UCC (Uniform Code Council, Inc.), được sử dụng từ năm 1970 và hiện vẫn đang sử dụng ở Mỹ và Canada.
- Hệ thống EAN (European Article Number) được thiết lập bởi các sáng lập viên là 12 nước châu Âu với tên gọi ban đầu là Hội EAN (European Article Numbering Association), được sử dụng từ năm 1974 ở châu Âu và sau đó phát triển nhanh chóng, được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Chính vì lý do này nên từ năm 1977, EAN trở thành một tổ chức quốc tế với tên gọi EAN quốc tế (EAN International)
Trong hệ thống mã số EAN cho sản phẩm bán lẻ có hai loại, một loại sử dụng 13 con số (EAN-13) và loại kia sử dụng 8 con số (EAN-8)
Cấu tạo của mã vạch
Mã số EAN-13 gồm 13 con số có cấu tạo như sau: từ trái sang phải
 + Mã quốc gia: hai hoặc ba con số đầu
 + Mã doanh nghiệp: có thể gồm từ bốn, năm hoặc sáu con số
 + Mã mặt hàng: có thể là năm, bốn, hoặc ba con số tùy thuộc vào mã doanh nghiệp
 + Số cuối cùng là số kiểm tra
Để đảm bảo tính thống nhất và tính đơn nhất của mã số, mã quốc gia phải do tổ chức mã số vật phẩm quốc tế cấp cho các quốc gia là thành viên của tổ chức này. Mã số quốc gia của Việt Nam là 893. Danh mục mã số quốc gia của các nước trong phụ lục kèm theo.
Mã doanh nghiệp do tổ chức mã số vật phẩm quốc gia cấp cho các nhà sản xuất là thành viên của họ. ở Việt Nam, mã doanh nghiệp do EAN-VN cấp cho các doanh nghiệp thành viên của mình.
Mã mặt hàng do nhà sản xuất quy định cho hàng hoá của mình. Nhà sản xuất phải đảm bảo mỗi mặt hàng chỉ có một mã số, không được có bất kỳ sự nhầm lẫn nào.
Số kiểm tra C là một con số được tính dựa vào 12 con số trước đó, dùng để kiểm tra việc ghi đúng những con số nói trên.
Từ năm 1995 đến tháng 3/1998, EAN-VN cấp mã M gồm bốn con số và từ tháng 3/1998, theo yêu cầu của EAN quốc tế, EAN-VN bắt đầu cấp mã M gồm 5 con số.
Mã số EAN-8 gồm 8 con số có cấu tạo như sau:
 + Ba số đầu là mã số quốc gia giống như EAN-13
 + Bốn số sau là mã mặt hàng
 + Số cuối cùng là số kiểm tra
Mã EAN-8 chỉ sử dụng trên những sản phẩm có kích thước nhỏ, không đủ chỗ ghi mã EAN-13 (ví dụ như thỏi son, chiếc bút bi). Các doanh nghiệp muốn sử dụng mã số EAN-8 trên sản phẩm của mình cần làm đơn xin mã tại Tổ chức mã số quốc gia (EAN-VN). Tổ chức mã số quốc gia sẽ cấp trực tiếp và quản lý mã số mặt hàng (gồm 4 con số) cụ thể cho doanh nghiệp.
Mã vạch là một nhóm các vạch và khoảng trống song song đặt xen kẽ dùng để thể hiện mã số dưới dạng máy quét có thể đọc được.
Mã vạch thể hiện mã số EAN gọi là mã vạch EAN. Trong mã vạch EAN, mỗi con số được thể hiện bằng hai vạch và hai khoảng trống theo ba phương án khác nhau (Set A, B, C). Mỗi mã vạch hay khoảng trống có chiều rộng từ 1 đến 4 môđun. Như vậy mã vạch EAN thuộc loại mã đa chiều rộng, mỗi môđun có chiều rộng tiêu chuẩn là 0,33 mm.
Mã vạch EAN là loại mã vạch sử dụng riêng để thể hiện mã số EAN. Mã vạch EAN có những tính chất sau đây:
Chỉ thể hiện các con số (từ O đến 9) với chiều dài cố định (13 hoặc 8 con số)
Là mã đa chiều rộng, tức là mỗi vạch (hay khoảng trống) có thể có chiều rộng từ 1 đến 4 môđun. Do vậy, mật độ mã hoá cao nhưng độ tin cậy tương đối thấp, đòi hỏi có sự chú ý đặc biệt khi in mã.
Mã vạch EAN có cấu tạo như sau: Kể từ bên trái, khu vực để trống không ghi ký hiệu nào cả, ký hiệu bắt đầu, ký hiệu dãy số bên trái, ký hiệu phân cách, ký hiệu dãy số bên phải, số kiểm tra, ký hiệu kết thúc, sau đó là khoảng trống bên phải. Toàn bộ khu vực mã vạch EAN-13 tiêu chuẩn có chiều dài 37,29 mm và chiều cao là 25,93mm.
Mã vạch EAN-8 có cấu tạo tương tự nhưng chỉ có chiều dài tiêu chuẩn là 26,73mm và chiều cao 21,31mm
.......................................................................................................
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí và cung cấp các dịch vụ tốt nhất:
DIEM TUA VANG CO., LTD
Address: 308/9A Cach Mang Thang Tam, Ward 10, District 3, HCM City.
Tel: 08.35 262 008 - .35 262 068    Hotline: 094 6666 749 – 094 6666 748
Email: info@diemtuavang.com – Web: www.diemtuavang.com
Điểm tựa vàng – Điểm tựa thành công!